Dịch bệnh tôm: Đến nay vẫn chưa có giải pháp phòng trị hữu hiệu

Nguyên nhân gây bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm ra căn nguyên từ cách đây hơn một năm, hàng loạt giải pháp phòng chống đã được thực thi. Thế nhưng, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, năm 2014 cả nước có khoảng 28.000ha nuôi tôm bị 2 loại bệnh này.

Dịch bệnh tăng theo kinh phí chống dịch!

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ tháng 1/2014 đến hết tháng 11/2014, dịch bệnh đốm trắng xảy ra tại 250 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố với tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh này lên đến 22.624ha. Trong đó, tôm sú là đối tượng nuôi bị thiệt hại lớn nhất với diện tích 13.529ha, chiếm 59,8%. So với cùng kỳ năm 2013, trong 11 tháng năm 2014, dịch bệnh đốm trắng xảy ra với diện tích cao gấp 1,85 lần và cao gấp  2,6 lần so với năm 2012. Về bệnh hoại tử gan tụy cấp (EMS), trong 11 tháng, xảy ra tại 233 xã thuộc 22 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tôm bị bệnh khoảng 5.591ha.

Trong 2 năm qua, Ban chỉ đạo phòng chống đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu phân tích, hội thảo khoa học, tập trung tìm hiểu nguyên nhân, tác nhân và các giải pháp phòng trị bệnh. Các nghiên cứu tập trung vào: xây dựng bản đồ dịch tễ, ảnh hưởng của các yếu tố vô sinh (nhiệt độ, độ mặn, độ Amonia, H2S, NH3, NO2, thuốc bảo vệ thực vật); các yếu tố hữu sinh (tảo độc, vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng); tác động của thức ăn và các chế phẩm sinh học dùng cho tôm. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã huy động các nguồn lực từ Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc, mời các chuyên gia đầu ngành trên thế giới về bệnh và môi trường tập trung nghiên cứu. Kết quả xác định nguyên nhân EMS là vi khuẩn Vibrio. Giải pháp phòng chống được đưa ra từ nửa cuối năm 2013 đến nay là, chỉ đạo sản xuất như điều chỉnh lịch mùa vụ nuôi tôm, kiểm soát các yếu tố môi trường ao nuôi, kiểm soát vi khuẩn Vibrio trong trại giống và trong quá trình nuôi, đưa chỉ tiêu Vibrio và V.parahaemolyticus vào kiểm dịch con giống.

Năm 2014, đã có 35 tỉnh, thành phố xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên tôm. Trong đó, có 26/35 tỉnh, thành được bố trí kinh phí, với tổng số tiền 25,2 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với năm 2013. Thế nhưng, dịch bệnh không những không giảm mà lại có xu hướng tăng.

TS.Đặng Thị Lụa, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, cho biết, để phòng chống dịch  bệnh, các trang trại sản xuất giống và người nuôi tôm đang sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học khác nhau. Trong đó, có gần chục loại kháng sinh như: Tetracyline, Oxytetraxyline, Rifamycin, Chloramphenicol, Ciprofloxacine. Các hóa chất Iodin và KMNO4 dùng để sát khuẩn tôm bị bệnh, Formol và Chlorine dùng để xử lý nước ban đầu và Vikon A dùng để phòng bệnh cho tôm bột lúc mới nở. Tỷ lệ thuốc kháng sinh, hóa chất được sử dụng ở các trại sản xuất tôm giống và các đầm nuôi tôm tới 90,7 – 96,6%, trong khi chỉ có 4,5-33,1% trại giống sử dụng chế phẩm sinh học. Bình quân 1ha nuôi tôm thương phẩm trong một lứa phải chi từ 60-150 triệu đồng cho kháng sinh và hóa chất để phòng chống bệnh. Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên và vô tội vạ đã tạo ra những dòng vi khuẩn kháng kháng sinh, khi tôm bị bệnh sẽ khó chữa trị.

Hậu quả do sử dụng thuốc vô tội vạ

Trong năm 2014, do lo sợ bệnh EMS, người dân đã sử dụng nhiều để xử lý định kỳ nước nuôi. Việc này đã làm cho tôm sốc và bùng phát bệnh đốm trắng. Dùng nhiều kháng sinh phòng bệnh EMS cũng làm giảm sức đề kháng của tôm với bệnh. Mặt khác, do ý thức người nuôi về xử lý bệnh chưa tốt, nước từ ao nuôi bị bệnh đốm trắng được thải ra ngoài môi trường mà không được xử lý triệt để đã khiến mầm bệnh quay trở lại, gây hại với mức độ nguy hiểm hơn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, phàn nàn, nhiều phác đồ, quy trình nuôi được các viện nghiên cứu đưa ra, nhưng khi triển khai chưa thấy có tính lặp lại ở mức độ thành công. Nghĩa là cùng một quy trình nuôi được áp dụng, nhưng vụ trước thành công, còn vụ nuôi sau thì thất bại. Theo ông Tuấn, bệnh đốm trắng do vi-rút WSSV gây ra nên kháng sinh không có tác dụng điều trị. Hiện nay, người nuôi tôm thường được khuyến cáo sử dụng Chlorine để xử lý nước. Thế nhưng, thực tế việc sử dụng hóa chất này hiệu quả chưa cao, cần xem xét lại. Trên thị trường hiện có nhiều chất cải tạo môi trường không đạt chất lượng. Rõ ràng giải pháp sử dụng kháng sinh và hóa chất để phòng chống dịch hiện nay không khả thi, tiềm ẩn nhiều mất an toàn cho ngành nuôi tôm. Bởi vậy, cần phải thay thế kháng sinh bằng các chế phẩm sinh học.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng băn khoăn: “Một số chế phẩm sinh học, thảo dược đã được nghiên cứu, nhưng khả năng ứng dụng còn xa vời. Đến thời điểm này, vẫn chưa xây dựng được giải pháp nào tối ưu cho phòng chống dịch bệnh trên tôm. Bởi vậy, phải nuôi trồng sạch bệnh từ con giống đến môi trường. Phải thay đổi cách thức kiểm dịch hiện tại, trại sản xuất tôm giống cần có điều kiện, đáp ứng an toàn sinh học. Môi trường ao nuôi cần được xử lý nghiêm ngặt”.

Để khắc phục dịch bệnh trên tôm nuôi, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám, cần nâng cao ý thức của người nuôi bằng cách tập huấn, truyền thông các mô hình nuôi tôm hiệu quả, những quy định về an toàn sinh học và cách thiết kế ao đầm khoa học. Nên xây dựng và áp dụng kết hợp cả 2 mô hình giám sát bệnh thụ động và chủ động nhằm đưa ra được bản đồ dịch tễ về bệnh và những cảnh báo sớm về tình hình dịch. Các viện cần nghiên cứu mô hình nuôi bền vững, có thể theo hướng nuôi kết hợp tôm với các loại cá, nghiên cứu các dòng vi khuẩn có tính kháng khuẩn đối với vi khuẩn gây bệnh EMS, nghiên cứu các chất hỗ trợ nâng cao sức đề kháng của tôm. Ngành thú y phải quản lý tốt các loại thuốc dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Chu Khôi

Cùng Danh Mục :

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>